Hoàn cảnh Nổi dậy Quỳnh Lưu, Nghệ An

Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam 1953 - 1956

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu thực hiện chương trình Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1953 đến năm 1956 dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh cùng các quan chức khác của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua sự giúp đỡ của các cố vấn Trung Quốc với mục đích của chính phủ nhằm xoa dịu đói nghèo của nông dân và phá vỡ quyền lực của tầng lớp địa chủ truyền thống, tuy nhiên cuộc cải cách ruộng đất đi kèm với sự bạo lực thái quá dẫn đến sự oán hận của tầng lớp địa chủ với Đảng Cộng sản Việt Nam[1][2][3]. Tại khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An, người Thiên Chúa giáo địa phương từng được hưởng rất nhiều ưu đãi về đất đai của thực dân Pháp, nên họ phản đối cải cách ruộng đất (do đất mà Pháp cấp cho Giáo hội sẽ bị thu hồi) và các cải cách khác do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện[4].

Phòng chống di cư

Theo Hiệp định Genève, 1954, trong đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký với Pháp, Việt Nam tạm thời được chia thành 2 miền với miền bắc Việt Nam theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa và miền nam Việt Nam do Pháp quản lý. Sẽ có khoảng thời gian 300 ngày, kết thúc vào ngày 18 tháng 5 năm 1955, nơi mọi người có thể di chuyển tự do giữa 1 trong 2 miền Việt Nam trước khi khu phi quân sự vĩ tuyến 17 được niêm phong[5].

Năm 1954, đội bán quân sự của Mỹ do Edward Lansdale, người của CIA và đã làm cố vấn cho Pháp tại Việt Nam từ 1953, chỉ huy đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền tâm lý chiến để kêu gọi và vận động dân chúng miền Bắc di cư vào Nam[6]. Theo nhiều người, những áp phích và khẩu hiệu mà nhóm của Lansdale đặt ra – "Chúa đã vào miền Nam" và "Đức Mẹ đồng trinh đã rời miền Bắc" – có ảnh hưởng quyết định đến tư duy của những thường dân Công giáo Việt Nam.[7] Vùng Quỳnh Lưu (Nghệ An) là vùng tập trung đông dân Thiên Chúa giáo nên các hoạt động tình báo - tuyên truyền của Mỹ diễn ra rất mạnh.

Vào cuối năm 1954 đến đầu năm 1955, cùng với việc chống tuyên truyền của Pháp và Mỹ, Việt Minh đã tìm cách ngăn chặn những người di cư rời khỏi miền bắc. Khi các nhân viên quân sự MỹPháp chỉ có mặt ở các căn cứ không quân và bến cảng, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cố gắng ngăn cản thông qua sự hiện diện quân sự trong vùng nội địa để ngăn chặn dòng người di cư[8][9].